Đau xương khớp ở trẻ em, cha mẹ chớ coi thường

Tháng 11 23, 2017 0 Quan điểm của bạn đọc

Đau xương khớp không chỉ người lớn mới gặp phải mà trẻ em cũng có thể có triệu chứng này. Bệnh khiến trẻ mệt mỏi, giảm khả năng vận động ảnh hưởng đến chất lượng học tập và sinh hoạt.

Nếu trẻ bị đau sau vận động quá nhiều hoặc do va chạm với các vật cứng thì không có vấn đề gì đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu tình trạng trẻ bị đau xương khớp tái diễn, dai dẳng gây hạn chế vận động thì các bậc cha mẹ cần cho con đi khám bác sĩ để xác định nguyên nhân và điều trị kịp thời.

TS.BS Lê Thị Minh Hương, Khoa Miễn dịch - Dị ứng - Khớp, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, tình trạng đau mỏi xương khớp, đau nhức chân tay nhẹ thoáng qua là than phiền thông thường hay gặp ở trẻ em tuổi học đường sau một ngày chạy nhảy nhiều hoặc có xô ngã.

TS.BS Lê Thị Minh Hương cũng cho biết, Bệnh viện Nhi Trung ương hàng ngày tiếp nhận khám và điều trị nhiều bệnh cơ xương khớp ở trẻ em do nguyên nhân khác nhau: từ đau mỏi xương khớp tuổi phát triển, viêm khớp cấp tính do vi khuẩn, do lao, viêm sau chấn thương… cho đến những bệnh khớp mãn tính do một số rối loạn miễn dịch hoặc giai đoạn đầu của bệnh bạch cầu cấp…

Một trong những bệnh khớp mãn tính thường gặp ở tuổi học đường là bệnh viêm khớp tự phát thiếu niên. Bệnh viêm khớp tự phát thiếu niên thuộc nhóm bệnh tự miễn, được định nghĩa là tình trạng viêm khớp mạn tính kéo dài ít nhất 6 tuần, khởi phát bệnh trước 16 tuổi. Bệnh thường khởi phát sau khi nhiễm virut hoặc nhiễm khuẩn (Chlamydia mycoplasma, Streptococcus, Salmonella, Shigella).

Bệnh này không hiếm gặp nhưng rất ít cha mẹ hiểu biết rõ nên đa số trẻ thường được đưa đến chuyên khoa khám muộn. Một số trẻ em trước khi đến bệnh viện Nhi Trung ương đã đi khám, chữa hàng năm trời ở nhiều nơi nhưng không phát hiện bệnh, dẫn tới bệnh tiến triển nặng, biến dạng khớp và nhiều biến chứng khác gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của trẻ.

Các triệu chứng của viêm khớp mãn tính: sốt, mệt mỏi, đau nhức cơ toàn thân và các triệu chứng này không giảm khi dùng aspirine liều thông thường. Trẻ có thể bị nổi ban đỏ ở thân mình và các gốc chi, nhưng các mẩn đỏ này mất rất nhanh. Triệu chứng viêm khớp có thể xảy ra ngay từ đầu hay sau vài ngày, trẻ có thể bị sưng đau một vài hoặc nhiều khớp như khớp cổ tay, khớp gối, khớp háng, mắt cá chân…

Ở trẻ lớn thường là thể viêm ít khớp, chủ yếu ở một vài khớp to như khớp gối, khuỷu tay, khớp háng, nhưng cũng có thể gặp ở khớp thái dương hàm và khớp cổ. Nơi khớp sưng thấy phù nề, sờ ấm nhưng không đỏ và ít đau. Khi sụn khớp đã bị dính và xơ thì khớp trở nên cứng và hạn chế sự vận động kèm theo các cơ ở chi đó bị teo. Ngoài các triệu chứng ở khớp ra, trẻ có thể sốt cao, phát ban, hạch to, viêm thanh mạc, viêm màng phổi…

Nguyên nhân đau xương khớp ở trẻ em

Đau xương khớp ở trẻ em có thể gặp là do hệ xương của trẻ đang trong giai đoạn phát triển nhanh. Sự phát triển xương dài ở trẻ bắt đầu ở thân sau xương đến hai đầu xương, sự phát triển quá nhanh trong khi các khoáng chất cần thiết như sắt, canxi, magie không cung cấp kịp thời khiến trẻ có cảm giác đau nhức.

benh-xuong-khop-o-tre-em

Chấn thương, va đập cũng có thể là nguyên nhân gây đau mỏi chân ở trẻ. Những tổn thương do va đập hay viêm nhiễm nếu không được chữa trị kịp thời có thể dẫn đến gãy xương hoặc bong gân.

Ở tuổi phát triển, trẻ tăng lên về chiều cao, hệ xương phát triển nhanh trong khi hệ cơ phát triển chậm hơn làm cho các sợi dây cơ bị kéo căng gây đau bắp chân, tay.

Ngoài ra, đau xương khớp ở trẻ em cũng có thể liên quan đến các bệnh lý như viêm khớp cấp tính, lao, viêm khớp mãn tính, rối loạn miễn dịch, viêm khớp cùng chậu…

Các dạng viêm khớp tự phát thiếu niên

- Thể viêm ít khớp: chỉ gây tổn thương dưới 5 khớp chủ yếu là những khớp lớn: khớp vai, khuỷu, gối.
- Thể viêm đa khớp: tổn thương từ 5 khớp trở lên, thường gặp ở những khớp nhỏ bàn tay, bàn chân nhưng cũng có thể gặp ở những khớp lớn.
- Thể viêm khớp hệ thống: gây tổn thương nhiều hệ cơ quan, trẻ thường sốt dao động, mệt mỏi, đau nhức cơ toàn thân và các triệu chứng này không giảm khi dùng aspirine liều thông thường.

Làm gì khi trẻ mắc bệnh khớp

Theo TS.BS Lê Thị Minh Hương, khi mắc bệnh, bệnh nhân cần phải được khám và điều trị của bác sĩ chuyên khoa khớp vì có thể trẻ bị thể bệnh nặng gây nguy hiểm. Mục đích của điều trị là kiểm soát tiến triển của bệnh càng sớm càng tốt, nhằm hạn chế đến mức tối đa những thương tổn gây phá hủy và biến dạng khớp. Điều trị bao gồm các biện pháp vật lý trị liệu, dùng thuốc và có thể phải điều trị ngoại khoa.

Theo khuyến cáo, cha mẹ chớ lơ là khi con kêu đau, nhức tại vị trí các khớp. Để căn bệnh đau xương khớp không còn là nỗi ám ảnh ở trẻ nhỏ, phụ huynh cần hết sức thận trọng và chú ý đến các dấu hiệu bất thường ở trẻ.

Cần khuyến khích trẻ có một cuộc sống năng động với các môn thể dục thể thao phù hợp, đều đặn như đi bộ, bơi lội, đạp xe nhằm tránh cứng khớp, khỏe cơ bắp và tăng sức đề kháng. Luôn khởi động kỹ trước khi tập luyện và tập vừa sức, tăng dần cường độ và thời gian…. Bổ sung chế độ ăn giàu canxi, kiểm soát cân nặng và đầy đủ các chất vitamin, vi lượng cũng rất quan trọng…

Lưu ý: Khi trẻ hồi phục sau bệnh viêm khớp, cần khám mắt thường xuyên để phát hiện dấu hiệu của viêm mống mắt.

Hầu hết các bé thường khỏi bệnh đau xương khớp trong vòng một vài năm mà không để lại một dị tật nhỏ nào. Một số rất ít các bé khác lại tiếp tục phát triển một dạng viêm khớp của người lớn.

Bệnh khớp mãn tính ở trẻ em có khả năng gây tàn phế! Vì vậy khi thấy trẻ có những biểu hiện viêm khớp trên 6 tuần, sốt, mệt mỏi, đau nhức cơ toàn thân và các triệu chứng này không giảm khi dùng aspirine liều thông thường cần phải đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế có chuyên gia xương khớp để được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.

Hàng ngày, ngoài việc thể dục thể thao hợp lý, hãy để trẻ được thư giãn các vùng cơ, tăng tuần hoàn máu, lưu thông khí huyết và thư giãn đầu óc bằng cách chườm túi chườm nóng thảo dược với 9 loại thảo dược tự nhiên truyền thống được cha ông áp dụng từ xưa đến nay.