Theo tiến sĩ, bác sĩ Bùi Hồng Thiên Khanh, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, thời tiết chuyển mùa từ nắng nóng sang mưa lũ đi kèm với gió lạnh dễ khiến các mạch máu ngoại vi co lại. Tình trạng này làm giảm cung cấp máu cho các cơ quan ngoại biên như da, cơ, khớp gây ra các triệu chứng như đau mỏi cơ xương khớp, co cứng cơ vùng vai gáy, thắt lưng.
Bác sĩ Khanh cho biết hơn 90% người bệnh đến khám tại khoa Chấn thương chỉnh hình luôn than phiền về bệnh đau khớp, thường gặp ở độ tuổi trung và cao niên. Triệu chứng đau là hậu quả của quá trình viêm khớp, thoái hóa khớp, người bệnh luôn cảm thấy đau nhức ở các khớp như ở khớp tay, đầu gối, khớp vai hay háng. Không những đau, các khớp còn bị sưng, khó vận động đặc biệt vào sáng sớm trời lạnh. Thoái hóa khớp không phân biệt vùng miền, nhưng thường gặp ở phụ nữ sau mãn kinh, những người đã và đang lao động cực nhọc càng dễ mắc bệnh này.
Kiểu thời tiết hiện nay cũng dễ làm sàn nhà ẩm ướt, trơn trượt là một yếu tố nguy hiểm dẫn đến nguy cơ té ngã, đặc biệt là người lớn tuổi. Những người già nhập viện do gãy cổ xương đùi hầu hết là ngã trên thềm nhà, bậc tam cấp, nhà vệ sinh, cầu thang…
Bác sĩ Khanh giải thích: Ở người già, chức năng đi đứng bị ảnh hưởng nhiều bởi tuổi tác và bệnh nội khoa vốn có. Thêm vào đó sự bất cẩn của người nhà cũng như sự chủ quan của chính người bệnh, từ đó dẫn đến nhiều vụ tai nạn gãy đầu dưới xương quay, gãy đầu trên xương cánh tay, gãy mắt cá, gãy xẹp cột sống ngực, thắt lưng, gãy vùng xương đùi. Tùy theo loại chấn thương, cũng như mức độ và tình trạng sức khỏe nội khoa, bác sĩ sẽ xem xét phẫu thuật hay điều trị bảo tồn như bó bột, nằm tại giường…
Ngoài ra, tại bệnh viện còn ghi nhận các trường hợp chấn thương do tai nạn giao thông, tai nạn lao động và sinh hoạt. Tai nạn giao thông không trừ một ai, song người trẻ thường gặp hơn. Đường trơn trượt rất dễ gây ra tai nạn khi tham gia giao thông dẫn đến xây xát da, đứt dây chằng, rách gân cơ, gãy xương, trật khớp. Chấn thương dù nặng hay nhẹ cũng cần được xử trí đúng cách, người bệnh nên đến các cơ sở y tế khám chuyên khoa để kiểm tra và điều trị.
Tai nạn lao động cũng thường xảy ra vào mùa này do sự bất cẩn của người tham gia lao động hay chủ lao động trong khi không có trang thiết bị bảo hộ cần thiết. Những công trình thi công xây dựng, trang trí, sản xuất ngoài trời khi gặp mưa, gió, bão dễ bị cản trở hoặc là nguyên nhân dẫn đến tai nạn. Nạn nhân thường là nam giới trẻ tuổi bị chấn thương khá nặng, có thể kèm theo đa chấn thương.
Để phòng tránh các bệnh về xương khớp khi mùa mưa đến, bác sĩ Khanh khuyên mọi người nên duy trì luyện tập thể dục thể thao mỗi ngày. Luyện tập được xem như một liều thuốc quý, rất có ích đối với sức khỏe con người và hiệu quả trong việc giảm đau nhức. Ngoài ra, bạn cần thiết kế cho bản thân một chế độ ăn uống hợp lý như thực phẩm giàu vitamin C và E, canxi, uống thật nhiều nước để duy trì độ trơn tru giữa các khớp. Tốt nhất nên uống 2 ly sữa mỗi ngày, mỗi tuần ăn hai bữa tôm cua để phòng tránh loãng xương, đây một nguyên nhân thường đi kèm thoái hóa khớp gây đau nhức.
Trong nhà có người lớn tuổi, gia đình nên chú ý làm khô nền, sàn nhà, không để người già đi một mình lên xuống cầu thang hay bậc thềm. Riêng những cụ già yếu có nguy cơ té ngã cao nên đi vệ sinh tại giường vào ban đêm hay phải có người nhà đi cùng. Quần dài cần được cắt ngắn gấu, chuẩn bị dép đi trong nhà không quá trơn, đi lại bằng khung hoặc gậy nạng để trợ giúp… Nhân viên y tế cần nhắc nhờ mọi người về điểm này.
Để phòng tránh tai nạn giao thông, mọi người cần tham gia giao thông có ý thức, đặc biệt mùa mưa càng phải thận trọng, trong một số trường hợp áo mưa hay che dù lại trở thành nguyên nhân gây ra tai nạn. Chú ý không bóp thắng trước của xe, chạy chậm, quan sát kỹ để tránh các hố nước đọng bị che lấp… Ngoài ra, có nhiều trường hợp bệnh nhân nhập viện do ngã từ mái nhà xuống khi đang lợp mái tôn hay chặt bớt các nhánh cây trong sân, leo cầu thang hay ghế khi nền nhà trơn trượt… Vì vậy mọi người cần đề cao cảnh giác.
Theo bác sĩ Khanh, bệnh đau nhức cơ xương khớp thường có 2 phương pháp điều trị. Thứ nhất là không dùng thuốc bao gồm nghỉ ngơi hợp lý, chườm đá vùng sưng viêm, tập vật lý trị liệu lấy lại chức năng. Thứ hai, có thể kết hợp với dùng thuốc nếu đau nhiều như giảm đau, kháng viêm, giảm co cứng cơ. Tuy nhiên thuốc có thể gây tác dụng phụ như tăng men gan, đau dạ dày hay chóng mặt, lừ đừ…
Ngoài ra, liệu pháp chườm nóng với thảo dược như ngải cứu, gừng, xuyên khung,... cũng mang lại hiệu quả rõ rệt. Ngày xưa,ông bà ta thường hay áp dụng các bài thuốc Đông y như sao lá ngải cứu, rang muối kết hợp với gừng, hoặc lá ngải cứu để chườm nóng giảm đau. Ngày nay, khi xã hội hiện đại hơn, con người có những nghiên cứu và sáng tạo ra những sản phẩm tiện lợi hơn, đồng nghĩa với việc chúng ta có thể tiết kiệm được một khối thời gian khá lớn để dành cho việc thư giãn. Túi chườm thảo dược Hapaku đáp ứng được yêu cầu giảm đau mỏi nhanh chóng, lưu thông khí huyết, giúp thư giãn lại không gây tác dụng phụ cũng như tiết kiệm được khối lớn thời gian cho người sử dụng.
Nguồn: Vnexpress