TRỊ LIỆU CÁC MỐI QUAN HỆ TRONG GIA ĐÌNH

November 30, 2020 0 Comments

(Trích trong cuốn “Thiền sư và em bé 5 tuổi” của Sư Ông Làng Mai)
Chúng ta có khuynh hướng đổ lỗi cho người khác như thể họ với ta không hề dính líu gì với nhau cả. Ta phải nhìn sâu và đặt câu hỏi là: Chúng ta có cùng lớn lên mỗi ngày không? Chúng ta có hạnh phúc mỗi ngày không? Chúng ta có hòa hợp với chính mình và những người khác quanh mình không, những người dễ thương và những người không dễ thương?
Những gì người khác nói và làm không nhất thiết phải ảnh hưởng đến ta. Ta vẫn có thể chăm sóc chính mình. Chúng ta có thể cố gắng hết sức để thực sự giúp đỡ người khác thay vì phán xét, la mắng hay tạo ra chiến tranh quanh mình.
Khi tay trái bị thương ta không hề nói là: “Đồ ngu. Tại sao mày có thể làm như vậy?”. Chúng ta chăm sóc tay trái một cách tự nhiên để cho nó được chữa lành. Đây là cách mà ta đối xử với những người khác trong gia đình hoặc trong tăng thân ta, những người không mấy dễ thương, có nhiều khó khăn và dễ bị tổn thương. Chúng ta không nói: “Anh đối xử không dễ thương với tôi, anh phải thay đổi”. Chúng ta phải học cách chăm sóc những người ấy như cách ta chăm sóc cho bàn tay trái đang bị thương.
Sở dĩ ta giận một ai đó là do ta không có khả năng thấy được nhiều yếu tố trong người đó không phải là người đó. Chúng ta không thấy được người đó hành xử vì tập khí mà người đó được trao truyền lại. Khi hiểu được một cách sâu sắc hơn, ta có thể chấp nhận người đó dễ dàng hơn. Điều này cũng đúng với tự thân chúng ta. Khi chúng ta thấy được trong ta tất cả những yếu tố đến từ nhiều nguồn khác nhau, như cha mẹ, ông bà tổ tiên và môi trường thì chúng ta sẽ thấy được đa phần những tính nết khắt khe của chúng ta đến từ những gốc rễ, yếu tố khác nhau. Chúng ta có thể thấy rằng: “A, đây là ông nội, ông đang phán xét bạn mình”. Nếu để tâm đến những hành động tương tác qua lại của ta mà không phán xét, ta sẽ làm phát khởi ý thức chánh niệm, giúp ta hiểu được những suy nghĩ, lời nói, hành động của ta không phải do một mình ta tạo ra. Tổ tiên của ta tiếp tục biểu hiện trong ta mỗi ngày. Với sự hiểu biết này, chúng ta có thể tìm cách tháo gỡ những khó khăn giữa ta với người khác để tạo nên sự an lạc.
Tri giác sai lầm
Vì thường bị kẹt trong nhiều hình ảnh khổ đau của quá khứ nên chúng ta dễ xây dựng lên những tri giác sai lầm, dễ phản ứng lại với người khác và tạo ra nhiều khổ đau hơn. Giả sử như ta đang giận một ai đó, đó là do ta tin rằng người đó có chủ tâm, cố tình làm cho ta đau khổ, làm cho cuộc đời ta khốn đốn. Tri giác đó đưa đến sự giận dữ và phản ứng. Chính sự giận dữ và phản ứng này mang lại nhiều khổ đau hơn cho bản thân và cho tất cả những người có liên quan.
Thay vì đả kích nhau, chúng ta có thể sử dụng hơi thở chánh niệm hoặc đi thiền hành để chế tác sự tỉnh thức và tuệ giác. Chúng ta có thể thở vào thở ra để thấy được trong ta có những nỗi khổ niềm đau và tri giác sai lầm. Trong người kia cũng có những nỗi khổ niềm đau và tri giác sai lầm. Có thể chúng ta đã đạt được một sự thức tỉnh nào đó nhưng người kia có thể không có vì họ không biết cách nhận diện và xử lý nỗi khổ niềm đau để vượt thoát tình trạng khó khăn. Người ấy đau khổ, và người ấy làm cho bản thân cũng như những người chung quanh đau khổ.
Ngay khi nhận ra được điều này, ta nhìn người ấy bằng một cách khác. Ta thấy được nỗi khổ niềm đau trong người ấy và ta hiểu được rằng người ấy không biết cách xử lý khổ đau của họ. Khi chúng ta có khả năng thấy được nỗi khổ niềm đau trong người ấy, thấy được tình trạng của người ấy, lòng từ bi trong ta sẽ phát khởi. Khi từ bi phát khởi thì cơn giận được chuyển hóa. Chúng ta không hành động để trừng phạt bởi vì ta không còn giận dữ nữa.
Đây là sự can thiệp của tuệ giác. Nhờ tuệ giác mà ta được an toàn bởi vì tuệ giác giúp ta điều chỉnh lại tri giác sai lầm. Khi tri giác sai lầm không còn thì sự giận dữ, sợ hãi và tuyệt vọng cũng không còn. Ta sẽ phát khởi tâm từ bi và thiện chí muốn giúp đỡ.
Tư niệm thực (ước muốn của ta) là nền tảng căn bản của mọi hành động. Khi có tri giác sai lầm thì cái ước muốn của ta thúc đẩy, khiến ta phản ứng tạo thêm nhiều khổ đau hơn. Tuy nhiên nếu có tuệ giác, ước muốn của ta sẽ trở thành ước muốn tốt, trở thành nguồn tư niệm thực tốt. Chúng ta có cảm hứng muốn giúp đỡ mà không phải trừng phạt. Khi động cơ thúc đẩy của ta đi về hướng tích cực, ta sẽ thấy khỏe hơn nhiều cho dù ta chưa làm gì cả. Ta hưởng được lợi lạc từ sự thực tập này ngay lập tức. Người kia, người mà ta nghĩ đã gây khổ đau cho ta cũng sẽ hưởng được lợi lạc theo sau đó.
Trị liệu các mối quan hệ trong gia đình
Có thể cha ta xem ta như một thứ tài sản quý báu của cha, như nhà cửa, tiền bạc, xe hơi. Cha nghĩ rằng ta là con của cha, cha đã làm tất cả mọi thứ cho ta, và cha chỉ muốn ta đi theo con đường mà cha đã vạch ra. Cha không nghĩ rằng ta cũng là một con người như bao người khác có quyền được suy nghĩ, được hành động, được đi theo những gì mà ta tin là chân thiện mỹ. Tại sao lại có những người cha như thế? Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có những người cha rất khác, rất tâm lý, có khả năng đối xử với con mình một cách rất kính trọng, cho con quyền được tự do lựa chọn.
Nếu cha đối xử không tốt với ta, có thể là do cha ta thiếu may mắn. Nền giáo dục và môi trường của cha không dạy cho cha cách cảm nhận cũng như cách bày tỏ tình thương yêu và sự hiểu biết. Nếu ta đổ lỗi cho cha, nếu ta muốn trừng phạt cha thì cha ta chỉ khổ đau hơn mà thôi. Ngoài ra không có lợi lạc gì cả. Chúng ta không thể giúp đỡ cha bằng cách ấy. Nếu ta hiểu được rằng do cha mình thiếu may mắn thì cái giận của ta đối với cha sẽ tan biến. Ta sẽ thấy cha ta là người cần tình thương của ta mà không phải sự trừng phạt.
Tất nhiên, ta cũng cần giữ cho mình được an toàn. Nếu cha ta làm tổn hại ta vì cảm xúc hoặc hành động thì ta không nên đến gần cha. Tuy nhiên bỏ trốn cha cũng làm tăng thêm nỗi khổ đau cho cả hai bên. Nếu không thực tập chánh niệm với cha mẹ, chúng ta sẽ tạo ra địa ngục cho nhau.
Hễ khi nào cha mẹ và con cái xung đột, cãi cọ, la mắng nhau thì bao giờ con cái cũng thiệt thòi hơn, bởi vì con cái không được nói lại những lời mà cha mẹ đã nói với chúng. Cha mẹ có thể đánh con cái nhưng con cái không thể đánh lại cha mẹ. Cha mẹ có thể mắng nhiếc con cái nhưng con cái không thể mắng nhiếc cha mẹ. Vì chúng không thể bạo động lại như những gì chúng nhận được nên chúng trở nên bệnh hoạn. Những bạo động mà chúng nhận được vẫn còn đó trong chúng, và nó muốn tìm đường để thoát ra, muốn bạo động trở lại. Là một người trẻ, sở dĩ ta không đối xử tốt với bản thân, làm cho bản thân bị tổn thương là do ta không biết cách để cho những bạo động trong ta thoát ra ngoài. Chúng ta là nạn nhân của những bạo động mà ta nhận được từ cha mẹ và xã hội.
Đôi khi cha mẹ chúng ta cũng không đủ khéo léo và sáng suốt để không bạo động với con cái cho dù họ rất muốn thương yêu con cái, muốn làm cho con cái hạnh phúc. Tôi biết có một em thanh niên trẻ đang học ngành y khoa. Cha em là một bác sĩ. Em muốn mình là một người thuộc thế hệ trẻ, hành xử phóng khoáng hơn, và em hứa với lòng mình là lớn lên em sẽ không hành xử như cha em. Nhưng khi làm cha, em lại hành xử y hệt như cha mình. Em la mắng và phê bình con cái mỗi ngày.
Khi làm con, ta nguyện làm ngược lại những gì mà cha mẹ ta đã làm. Tuy nhiên khi có con, chúng ta thường lặp lại tập khí của cha mẹ. Đó là một vòng luẩn quẩn, nối tiếp những nỗi khổ đau trong cuộc sống từ thế hệ này sang thế hệ khác. Chúng ta phải thực tập để chấm dứt vòng luân hồi này, dừng lại những tập khí của mình và không để cho chúng ảnh hưởng đến mối quan hệ của ta với con cái.
Cả hai thế hệ phải nhận diện được những bạo động đang hủy hoại chúng ta, hủy hoại những người ta thương yêu. Cả hai bên đều phải tìm cách nhìn sâu bởi vì cả hai đều là những nạn nhân. Con cái nghĩ rằng mình là nạn nhân của cha mẹ, và cha mẹ nghĩ rằng cha mẹ là nạn nhân của con cái. Chúng ta tiếp tục đổ lỗi cho nhau. Chúng ta không chấp nhận sự thật là bạo động có mặt trong cả hai bên. Vì vậy thay vì xung đột, cãi cọ, la mắng nhau, cả hai bên cha mẹ và con cái nên đến với nhau để tìm cách hòa giải. Không phải vì chúng ta khổ đau thì chúng ta tiếp tục làm cho người kia khổ đau. Bên nào cũng đều khổ đau nhiều vì cùng những nguyên nhân như nhau. Vì vậy, chúng ta cần những đồng minh chứ không phải là kẻ thù. Những nỗi khổ niềm đau trong ta cũng đủ giúp ta biết cách làm thế nào để không lặp lại những lỗi lầm đó nữa. Đức Bụt nói rằng: “Tất cả những gì xảy ra, ta phải quán chiếu sâu sắc vào bản chất của nó”. Một khi hiểu được bản chất của sự vật là ta đang đi trên con đường tự do giải thoát rồi.
Vì vậy hai bên phải đến với nhau, bạn đến với bạn, mẹ đến với con. Chúng ta đồng ý với nhau rằng cả hai bên đều đang khổ đau. Cả hai bên đều có những bạo động, hận thù và phiền não trong lòng. Thay vì chống đối hay đổ lỗi, chúng ta nên giúp đỡ và thực tập chung với nhau, nếu cần ta cũng có thể nhờ thầy hoặc tăng thân giúp đỡ.
Mở rộng trái tim
Tôi biết có một thanh niên trẻ rất giận cha và đã nói: “Con không có liên quan gì với cha cả”. Điều này cũng dễ hiểu. Anh ta nghĩ rằng tất cả những nỗi khổ đau của mình là do cha gây nên và anh ta không muốn dính líu gì đến cha cả. Anh ta muốn cắt đứt hoàn toàn mối liên hệ. Tuy nhiên, nếu nhìn sâu anh ta sẽ thấy rằng cho dù anh ta có giận cha mình đến tận xương tủy đi nữa thì người kia vẫn là cha mình, anh là sự tiếp nối của cha. Ghét cha tức là ghét mình. Không có cách nào khác hơn là chấp nhận cha. Nếu trái tim ta nhỏ bé thì ta không thể ôm ấp được người kia, vì vậy ta phải có trái tim rộng lớn hơn. Ta có thể làm mọi cách cho trái tim ta rộng lớn để có đủ không gian ôm ấp cha ta.
Nhìn sâu là sự thực tập duy nhất giúp cho trái tim rộng mở đến vô lượng, vô biên, không thể nào đo lường được. Một trái tim mà còn có thể đo lường được thì không phải là một trái tim lớn. Có bốn yếu tố để làm nên tình thương chân thật, gọi là tứ vô lượng tâm. Đó là từ (maitrī), bi (karuṇā), hỷ (muditā) và xả (upekṣā). Chúng ta thực tập bốn yếu tố này để biến trái tim ta thành vô lượng. Khi trái tim ta bắt đầu lớn rộng, chúng ta sẽ có khả năng dung chứa, chấp nhận bất kỳ loại khổ đau nào. Khi có khả năng ôm ấp nỗi khổ niềm đau trong lòng, ta sẽ không còn khổ đau nữa.
Đức Bụt ví trái tim rộng lớn giống như một dòng sông. Nếu có một chút bùn nhơ rơi vào ly nước thì ta không thể uống nước đó được mà ta phải đổ nó đi. Nhưng nếu ta thả chút bùn nhơ đó vào trong một dòng sông rộng lớn thì ta vẫn có thể sử dụng nước trong dòng sông ấy. Vì dòng sông lớn có khả năng chấp nhận chút bùn nhơ đó mà không ảnh hưởng đến dòng nước.
Khi trái tim ta bé nhỏ, ta không thể chịu đựng được nỗi khổ niềm đau do người khác và xã hội giáng xuống cho ta. Nhưng nếu trái tim ta rộng lớn thì ta có khả năng ôm ấp nỗi khổ niềm đau ấy và ta sẽ không khổ đau. Thực tập tứ vô lượng tâm là giúp cho trái tim ta rộng lớn như dòng sông.